Hồ Thác Bà, huyện Yên Bình
Hồ Thác Bà là một trong những hồ nhân tạo lớn nhất nước ta có phong cảnh hữu tình. Hồ Thác Bà được hình thành từ khi xây dựng Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, là cái nôi đầu tiên của ngành điện Việt
Hồ được tạo bởi lưu vực dòng sông Chảy có tổng diện tích 23.400 ha, hồ có chiều dài khoảng 80km, chiều ngang 15km, diện tích mặt nước là 19050ha, dung tích hồ chứa khoảng 4 tỷ khối nước, với 1331 hòn đảo lớn, nhỏ, cùng với hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng những dãy núi đá vôi chạy dọc theo dòng sông chảy được gắn với những truyền thuyết huyền thoại làm say đắm lòng người như động Thủy Tiên, động Xuân Long, núi Cao Biền, núi Chàng Rể, Đát ô Đồ, Bãi sỏi.. v..v... Yên Bình còn có những cánh đồng “Bờ xôi ruộng mật” , những địa danh của một vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa đã đi vào huyền thoại như: Di tích lịch sử cách mạng Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu X , Thành nhà Bầu, những đình, đền, chùa nổi tiếng như chùa Trấu, chùa Vóc, nhà thờ Chính Tâm, Vật Lẩm, đền Mẫu Thác Bà, Thác Ông…hay chợ Ngọc, chợ Ngà…còn được lưu truyền qua những câu ca dao với những sản vật đặc sản như: “Cam An Thọ, cọ Đông Lý”, “Cơm làng Mạ, cá làng Kiều”, “Gạo Bạch Hà, gà Linh Môn”, “Muốn ăn gạo trắng nước trong, hãy lên phố Cát Đại Đồng cùng anh”, “Còn tiền chợ Ngọc chợ Ngà, không tiền xuôi ngược Thác Bà, Thác Ông”, “Việt Bắc Bầu thành thiên cổ tại, Đại Đồng Vũ Miếu vạn dân chiêm”….
Nơi đây cũng còn tích hợp, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc anh em cùng chung sống quanh vùng hồ như: Đồng bào Tày, đồng bào Nùng, đồng bào Dao, đồng bào Cao Lan, đồng bào Kinh… tất cả đã tạo nên cho hồ Thác Bà một vùng quê có vẻ đẹp lung linh huyền ảo với nhưng con người rất thân thiện, hữu tình và mến khách.
Cao Biền là dãy núi lớn và dài nhất của thắng cảnh hồ Thác, bắt đầu từ chân đập Thác Bà chạy dài sang đất Tuyên Quang (Cao Biền là Tiết Độ Sứ do vua Đường Ý Tông phái sang nước Nam để đàn áp các thủ lĩnh miền núi năm 865. Cao Biền có thuật yểm bùa và ông chọn núi này để yểm cho nước Nam không còn người tài, núi mang tên Cao Biền từ đó). Đứng trên đỉnh núi Cao Biền mà đón ánh sáng ban mai hay khi hoàng hôn về trên hồ Thác, vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, lung linh huyền ảo sắc nước gương trời của một vùng đất là nơi giao thoa giữa miền Tây Bắc và Trung du Bắc bộ, cửa ngõ của vùng Tây Bắc. Để tìm lại dấu ấn xưa của chợ Ngọc, chợ Ngà nổi tiếng Thác Bà một thời bán, buôn sầm uất... Chếch núi Cao Biền là núi Là có động Bạch Xà Mặt trận Việt Minh Tuyên Quang sau khi ra đời đã chọn nơi đây làm căn cứ hoạt động (11/1943) để từ đó phát triển lực lượng mặt trận Việt Minh ra các tỉnh lân cận tiến tới cuộc khởi nghĩa tháng 8/1945. Động Thuỷ Tiên hay còn gọi là động Tiên Sơn (thuộc xã Mông Sơn) hang có chiều sâu hơn 100m, nơi đây là từng là trụ sở làm việc của của UBND tỉnh Yên Bái trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hồ Thác Bà không chỉ là thắng cảnh đẹp mà còn là một di tích lịch sử. Tại đây còn lưu truyền qua sử sách về tướng giỏi Vũ Công Mật cùng anh em nhà Tù trưởng Hà Chương, Hà Đặc người Tày kháng Mạc phò Lê.Năm 1285 trước thế giặc nguyên Môn đã rút vào hang tổ chức ăn thề, nguyền cùng Chiêu Văn Vương Trần nhật Duật phá giặc. Trận Thu Vật năm ấy đạo quân Nguyên Mông do Na Xi Rút Din chỉ huy thua to. Địa danh này đang trở thành địa chỉ quen thuộc của khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Tháng 9/1996 thắng cảnh hồ Thác Bà được nhà nước công nhận là di sản văn hóa dân tộc và nó trở thành biểu tượng, niềm tự hào không chỉ giêng người dân Yên Bình mà còn là của người dân Yên Bái.
Ngược hồ Thác Bà ta gặp hang Hùm(thuộc địa phận huyện Lục Yên). Một địa chỉ khảo cổ nổi tiếng trong và ngoài nước bởi tại nơi đây năm 1962 đoàn khảo cổ học người Đức do tiến sỹ Kal phụ trách đã khảo sát kết luận và công bố phát hiện di cốt người cổ Homosapun có niên đại từ 8-10 vạn năm.
Đi thuyền trên hồ Thác Bà, chúng ta không chỉ cảm nhận được bầu không khí mát lành từ nước vùng lưu vực sông Chảy xanh biếc, từ gió hồ Thác mà còn được hoà mình cùng thiên nhiên thoáng đãng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận. Thắp một nén nhang tại các đền, đình để trút bỏ những toan tính, bộn bề cuộc sống, cầu cho cõi lòng thanh thản. Cứ đến hẹn lại lên hàng năm nhân dân trong vùng lại hòa mình trong Lễ hội tâm linh, lễ hội xuống đồng. Lễ hội Đình Khả Lĩnh xã Đại Minh ngày 7/01 âm lịch, Lễ hội Đình Phúc Hòa xã Hán Đà ngày 8/01 âm lịch, Lễ hội Đền Mẫu Thác Bà vào ngày 9/1 âm lịch. Lễ hội Xuống Đồng đầu xuân (từ ngày 5 đến 15/1 âm lịch) của Dân tộc Tày, Nùng, dân tộc Cao Lan cầu cho mưa thuận gió hoà mùa màng bội thu; Luân phiên hai năm một lần Lễ hội Bưởi Đại Min và đua thuyền trên hồ Thác Bà được tổ chức các hoạt động giao lưu thể thao hiện đại với các môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc trên vùng hồ Thác Bà sôi động, náo nhiệt như môn Đua thuyền, Kéo co, Đẩy gậy, Chọi gà, Tung còn, Đánh yến, Cờ người... v..v; cùng tham gia vào các tuor du lịch đến các điểm làng văn hóa Ngòi Tu Vũ Linh, Xuân Long, Xuân Lai, Động Thủy Tiên…đi chợ quê vùng hồ đã tạo ra một bầu không gian sôi động, đa sắc màu và hấp dẫn; Nơi đây còn lưu giữ nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, các điệu múa dân gian truyền thống như: Trường ca Vượt Biển (khảm hải), hát Then, hát Cọi, hát Phongslư của dân tộc Tày, múa Giao duyên của dân tộc Cao Lan, múa xua đuổi cái ác, Khèn nứa của dân tộc Dao, hát Ru của dân tộc Nùng…
Đến với những làng, bản ven hồ Thác Bà nơi hiện nay vẫn còn lưu giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Cao Lan...Các lễ hội truyền thống, tập quán sinh hoạt văn hóa riêng của từng tộc người...những hương vị tinh tế của những món ăn dân dã của đồng bào các dân tộc như: Lợn rừng, Dê núi, cơm lam, thịt trâu sấy, mắm lợn, vịt om, măng tre ngâm, nộm hoa chuối rừng, thịt gà nấu măng chua, gỏi cá, nộm tôm; cá Trạch, cá Quả, cá Tầm, cá sấy… Thanh long ruột đỏ, Dưa hấu, Bưởi diễn Bạch Hà, đặc sản Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà….vẫn đang là sự lôi cuốn du khách thăm thú, tìm kiếm và khám phá.