Tổng quan về du lịch huyện Yên Bình
Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, huyện Yên Bình có hơn 11,3 vạn dân gồm 5 dân tộc anh em Kinh, Tày, Nùng, Dao, Cao Lan đoàn kết sinh sống ở 22 xã và 2 thị trấn, trong đó có 21 xã nằm ở vùng ven Hồ Thác Bà, một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam. Hồ Thác Bà nằm trong lưu vực sông chảy thuộc địa phận huyện Yên Bình và một phần huyện Lục Yên có Quốc lộ 70 và Quốc lộ 37 đi qua, cách thành phố Yên Bái trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh 8km và là đầu mối giao thông nối liền các tỉnh trong nước với vùng Tây Bắc và cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.
Hồ Thác Bà được khởi công xây dựng vào năm 1962, hoàn thành năm 1970 với mục đích chính là phục vụ cho nhà máy thủy điện Thác Bà, hồ có diện tích mặt nước rộng gần 20.000 ha, dài 80 km, rộng 8 - 15 km, mực nước dao động từ 46 đến 58 m, chứa được 3 - 4 tỉ mét khối nước, với hơn 1.300 hòn đảo lớn nhỏ điệp trùng và những dãy núi đá vôi nổi bồng bềnh trên sóng nước, cùng hệ thống hang động đẹp ẩn sâu trong lòng núi. Ngoài dòng sông Chảy là nơi cung cấp nước chủ yếu, hồ Thác Bà còn có các sông lớn như ngòi Hành, ngòi Cát... đổ về, bồi lắng phù sa quanh năm, tạo điều kiện cho hệ động-thực vật phát triển phong phú. Vùng hồ Thác Bà có vị trí địa lý được nhìn nhận như một hợp phần của tiềm năng tự nhiên, phía Bắc giáp tỉnh Lào Cai, phía đông giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Phía tây giáp thành phố Yên Bái , huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên của tỉnh Yên Bái. Hồ Thác Bà có vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ.
Không chỉ chứa đựng trong mình một nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm mà vùng hồ Thác Bà còn lưu giữ rất nhiều những di tích lịch sử mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng sông chảy với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ.
Bắt đầu hành trình chuyến du lịch hồ Thác, lướt thuyền về phía Đông, điểm đầu tiên du khách có thể đến thăm là công trình Nhà máy Thủy điện Thác Bà sừng sững hiên ngang trên biển hồ. Ngắm công trình phát điện và chống lũ lụt, hạn hán cho đồng bằng Bắc bộ cao sừng sững hàng trăm mét giữa núi rừng Tây Bắc;
Thăm đền Mẫu Thác Bà di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tọa lạc trên núi Hoàng Thi từ lâu đã nổi tiếng là chốn linh thiêng thờ nữ thần Diệu Minh Đạt. Đền dựa vào lưng núi, với thế bao quát đất trời, trông xa thấy rộng. Sau khi vượt vài trăm bậc đá vòng vèo uốn lượn như chú rắn cuộn mình, đến sân đền, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát hết đập thủy điện và ngắm nhìn tượng đài lưu danh những người đã tận tụy ngày đêm xây dựng công trình thủy điện từ những năm đầu cuả thập niên 60,70.
Lênh đênh trên sóng nước du khách có thể lên núi Cao Biền, dãy núi lớn và dài nhất thắng cảnh hồ Thác Bà, đứng trên đỉnh núi có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh hồ với vẻ đẹp lung linh huyền ảo, cảm nhận vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, để tìm lại dấu ấn xưa của chợ Ngọc, chợ Ngà nổi tiếng Thác Bà một thời bán, buôn sầm uất...
Du thuyền dạo quanh mặt hồ yên ả, rẽ ngược về phía Tây du khách đến động Thủy Tiên thuộc địa phận xã Mông Sơn của huyện Yên Bình, động nằm trong lòng núi đá sâu khoảng 100m với những nhũ đá lấp lánh khi được chiếu sáng, tạo ra nhiều hình thù với các trạng thái khác nhau, trong đó có hình chín nàng tiên mỗi người một vẻ gắn với truyền thuyết tình yêu ly kỳ, hấp dẫn của hoàng tử Trọng Hải và công chúa Thủy Tiên. Từ trên cao của động Thủy Tiên, du khách có thể quan sát toàn cảnh dòng sông Chảy uốn lượn qua triền núi, mềm mại như một dải lụa mềm uốn lượn theo triền núi, cạnh những bản làng trù mật với ruộng nương tươi tốt, thấp thoáng nếp nhà sàn mộc mạc.
Thăm động Cẩu Quây nằm ẩn trong núi đá vôi thuộc địa phận xã Xuân Long với những tượng đá tự nhiên và các nhũ đá, gắn liền với truyền thuyết mê đắm Liêu Trai.
Hồ Thác Bà còn lôi cuốn du khách bởi bản sắc văn hóa đậm đà của cộng đồng người Tày, Nùng, Dao, Cao Lan... sinh sống ven hồ. Đến thăm bản làng sẽ là dịp để du khách hòa cùng cuộc sống của người dân bản địa và thưởng thức những món ăn ngon được chế biến từ các loài thủy sản đặc trưng của HTB như: cá lăng, cá chiên, cá quả, cá trạch,... cùng cơm lam, nộm hoa chuối rừng, nộm tôm, thịt gà nấu măng chua... với hương vị rất riêng
Khi đã thấm mệt, du khách có thể dừng chân nghỉ lại trong những ngôi nhà sàn thoáng mát của đồng bào dân tộc Cao Lan ở làng Ngòi Tu – xã Vũ Linh hay ở đồng bào Dao ở làng Đồng Tý – xã Phúc An, Yên Thành, đồng bào Tày xã Xuân Lai.. để cùng vui thú trải nghiệm vãn cảnh thiên nhiên, thả lưới đánh bắt cá tôm, rồi tự tay mình chế biến những món ăn ngon mang đậm hương vị của núi rừng Tây Bắc.
Hòa mình vào đó, du khách sẽ cảm nhận được nét độc đáo đặc sắc trữ tình trong làn điệu dân ca, dân vũ mừng cơm mới của người Tày khi tiết trời sang thu,; lễ cấp sắc, lễ cầu mùa tra hạt vươn tới khát vọng sống ấm no hạnh phúc của người Dao hay những điệu múa uyển chuyển miêu tả cuộc sống của cộng đồng cấy lúa, làm nương, cảm tạ trời đất, thần linh của đồng bào Cao Lan.
Thăm làng nghề thủ công truyền thống như đan rọ tôm, dệt thổ cẩm. Nghề đan rọ tôm xuất hiện ở thôn Đồng Tâm, xã Phúc An từ những năm đầu của thế kỷ XX. Cha truyền con nối, trải qua bao đời, nghề đan rọ tôm ở đây không ngừng phát triển và được nhân rộng trở thành nghề gắn bó, đem lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ đồng bào Dao quần trắng và là nguồn cảm hứng vô tận của khách du lịch mỗi khi đến vớihồ Thác Bà.
Tiếp tục hành trình du lịch đi về phía Nam hồ Thác Bà, du khách sẽ ghé thăm Đình làng Khả Lĩnh, ngôi đình nằm bên bờ sông Chảy hiền hòa thuộc địa phận xã Đại Minh. Đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, là nơi thiêng liêng có giá trị tinh thần rất lớn đối với người dân bản địa. Ngôi đình này được gắn liền với truyền thuyết giếng Mỏ Cò và nguồn gốc trái bưởi tiến vua. Tại đây du khách sẽ được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa tâm linh của đồng bào vùng sông chảy và tham quan những vườn bưởi quả sai trĩu cành đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, “Bưởi Đại Minh”, thăm vườn bưởi cổ có tuổi đời hàng trăm năm và thưởng thức vị thơm ngọt, dịu mát của trái bưởi tiến vua
Tham quan hồ Thác Bà, dạo quanh mặt hồ yên ả, du khách sẽ Cảm nhận bầu không khí mát lành từ làn nước trong xanh dịu gió, ngắm nhìn những vạt rừng xanh mượt trên những hòn đảo trập trùng, nhấp nhô dưới mây trời vời vợi, đảo nọ nối tiếp đảo kia tưởng chừng như bất tận và quan sát cuộc sống bình dị của cư dân trên lòng hồ Thác Bà với hình ảnh những chiếc thuyền nan rẽ sóng làm lay động mặt nước tĩnh lặng, cảnh ngư dân nhẹ nhàng thả vó trên sóng nước lúc chiều buông, hay nếp nhà sàn nhỏ nép mình vào vách núi, du khách như được trở về với miền thôn quê thảo dã.
Hãy một lần đến với hồ Thác Bà để ngắm nhìn trời đất bao la giữa mặt nước trong xanh, lung linh soi bóng những hòn đảo điệp trùng, để rồi tận hưởng một bầu không khí mát lành và đắm mình trong những đêm hội, những điệu múa dập dìu của các chàng trai cô gái người Dao, Cao Lan. Đến đây du khách cũng sẽ được trải nghiệm những chuyến du lịch homestay với giấc ngủ say nồng trong ngôi nhà sàn xinh xắn, với một không gian mở, giao thoa với thiên nhiên trời đất. Sự nồng hậu chân thành và mến khách của mảnh đất, con người nơi đây sẽ mãi là những trải nghiệm thú vị, khó phai mờ trong lòng mỗi du khách./.